Đăng nhập

Truyền thống Văn hóa - Lịch sử

(26/04/2017). Số lượt xem:2118

KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ VÀ LỊCH SỬ

1. Vị trí địa lý

Thị trấn Nam Phước nằm ở khu vực trung tâm của huyện Duy Xuyên, có diện tích tự nhiên là 1.450 ha. Địa bàn thị trấn Nam Phước trải dài về hướng Tây từ Quốc lộ 1 theo đường 104 (ĐT 610) qua khu vực trung tâm huyện đến Cầu Chìm. Thị trấn Nam Phước khá rộng, địa hình chủ yếu là đồng bằng. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là ngành trồng trọt. Đất sản xuất ở thị trấn chủ yếu là đất phù sa được bồi đắp từ các con sông chảy qua địa bàn nên tơi, xốp và có độ màu mỡ cao, thích ứng với nhiều loại cây trồng. Nhờ địa hình khá bằng phẳng và hệ thống dẫn nước tưới, tiêu thuận lợi nên nhiều cánh đồng sản xuất lúa, cây hoa màu ở thị trấn có diện tích khá rộng, tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất hàng hóa nông sản.

Trên bản đồ hành chính của huyện, thị trấn Nam Phước nằm vào vị trí hẹp nhất của khu Trung, là một ô đất hình vuông được bao bọc bởi con sông Thu Bồn (sông chính) ở phía Bắc và sông Bà Rén ở phía Tây Nam. Sông Thu Bồn chảy qua thị trấn ở các thôn Xuyên Tây, Xuyên Đông, Bình An, Đình An,... Sông Bà Rén là một nhánh của sông Thu Bồn bắt đầu từ Cù Bàn (Duy Châu) chảy qua thôn Chiêm Sơn xã Duy Trinh về thị trấn Nam Phước ở Cầu Chìm, rồi chảy qua các thôn Châu Hiệp, Phước Mỹ đến cầu Bà Rén nhập với dòng sông Ly Ly từ Quế Sơn đổ ra Cửa Đại. Sông Thu Bồn và sông Bà Rén cung cấp nguồn nước tưới dồi dào để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hầu hết các xóm, thôn của thị trấn. Vào mùa mưa lũ hằng năm, các con sông này nước dâng lên cao gây ra tình trạng lũ lụt ở khắp các vùng lân cận - nơi mà chúng chảy qua, song cũng nhờ lũ lụt mà một lượng phù sa khổng lồ được mang đến bồi đắp và làm cho tầng đất mặt dày hơn, màu mỡ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển các loại cây trồng đạt được năng suất cao để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Thị trấn Nam Phước nằm trong vùng “Tứ giác nước”. Ngoài hai con sông Thu Bồn và Bà Rén bao bọc, ở giữa có sông Chợ Chùa nối từ sông Bà Rén đến chợ Mõ Neo, đổ vào sông Bàn Thạch (xã Duy Vinh). Đường bộ có Quốc lộ 1, có Đường 104 đi qua địa bàn là điều kiện thuận lợi để cư dân thị trấn tiếp cận nhanh chóng với nền văn minh ở các nơi cả về đường thủy lẫn đường bộ. Nhờ vậy, trong các phong trào đấu tranh yêu nước, đấu tranh cách mạng, thị trấn Nam Phước luôn là một địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nắm giữ yết hầu để chi phối các địa phương khác trong toàn huyện. Đây cũng là nơi tiếp cận, giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa huyện Duy Xuyên với các địa phương khác cả về đường bộ lẫn đường thủy. Với một địa thế trung tâm khá thuận lợi, thêm vào đó là điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên thị trấn Nam Phước dưới góc nhìn địa lý, lịch sử đều là vùng đất lành, đất tốt và có vị trí chiến lược quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Là trung tâm của huyện nên hệ thống giao thông trên địa bàn thị trấn ngày càng được đầu tư và mở rộng. Quốc lộ I đi qua thị trấn từ Câu Lâu đến Bà Rén được hình thành vào những năm 20 của thế kỷ XX. Tỉnh lộ 104 (nay là ĐT 610) dài trên 40 km nối liền khu Tây (Phú Đa, Duy Thu) qua khu Trung và đến khu Đông (Bàn Thạch, Duy Vinh) của huyện, giao với Quốc lộ I tại Nam Phước. Một số trục đường liên thôn, liên xã được xây dựng từ thời chống pháp nên khá thuận lợi và thông suốt các địa bàn. Ngã ba Nam Phước là một đầu mối giao thông quan trọng của thị trấn, của huyện. Trước đây là một trong 7 trạm[1] trong hệ thống đường bộ từ thời Tây Sơn đến Nhà Nguyễn mỗi khi đi công cán và truyền tin.

Đường sắt Bắc Nam được xây dựng năm 1932 càng tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế trên địa bàn thị trấn phát triển. Nhiều loại hàng hóa như tơ, lụa, vải được thu gom ở các địa bàn rồi chuyển đến ga Trà Kiệu (Duy Sơn) để vận chuyển đi tiêu thụ ở các nơi, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Đường thủy với sông Thu Bồn, Bà Rén gặp với các con sông Vu Gia, Trường Giang hình thành lên hệ thống giao thông đường nước thuận lợi. Các bến bãi hình thành trên địa bàn thị trấn có Câu Lâu, Bến Giá, Cầu Chìm, Chợ Củi ... Từ các bến này, ta có thể đến được các nơi như Hội An, Tam Kỳ, Đà Nẵng, ...Hoặc ngược lên Trung Phước, Tý, Sé, Dùi Chiêng, Đá Mài, Đông Giang, Nam Giang, ... hoặc vào Nam, ra Bắc và có thể vượt đại dương ra nước ngoài.

Thị trấn Nam Phước có Chợ Chùa được xây dựng từ thời Pháp thuộc (giữa thế kỷ XIX). Theo lời kể của các vị cao niên thì Chợ Chùa nằm sát bến Hẹn của sông Đào ngày trước. Khu chợ nằm tại vùng đất xây dựng chùa Hưng Phước[2] bây giờ. Hàng hóa từ các nơi về chợ thuận lợi nhờ vào hệ thống giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy (đường bộ có Quốc lộ I, đường 104; đường thủy có Bến Hẹn của sông Đào). Chợ Chùa là trung tâm mua bán của cả huyện với nhiều loại hàng hóa. Người mua, kẻ bán tấp nập, trên bến, dưới thuyền nhộn nhịp càng làm cho Chợ Chùa thêm đông vui. Ông Tư Hòa - Người tộc Trịnh là một nhà nho thời bấy giờ đã mô tả:

“... Đất Chợ Chùa là đất văn minh

Gái, trai ăn mặc thậm tình

Thuyền qua lại không thua chi phường phố

Lều thị lập làm gần đường quan lộ

Ngựa xe đà chê chán mắt người thương...”

Tháng 6 năm 1947, Quân Pháp tấn công và chiếm đóng khu vực Chợ Chùa, ngăn cấm dân vào chợ, chúng đón ngã cây đa giữa chợ, đồng thời tiến hành một số vụ thảm sát dã man như giết người, chặt đầu rồi bêu giữ chợ, bắt đánh đập và cướp bóc các hàng hóa trong chợ nên dân chúng không dám đến khu vực chợ. Sau khi Chợ Chùa tan thì chợ Xuyên Đông được hình thành, hàng hóa tại chợ Xuyên Đông vẫn chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm thủ công và một ít hàng tiêu dùng,... không phong phú như ở Chợ Chùa trước đây. Đến thời Mỹ - Diệm, Nhân dân đã xây dựng lại chợ theo khẩu hiệu vận động: xây dựng Chợ Chùa là góp phần xây dựng dân sinh, tuy vậy chợ vẫn không đông lại được. Chợ Quận được xây dựng từ thời Nguyễn Quang Đỉnh còn làm Phủ trưởng Duy Xuyên (khoảng 1956-1957). Khi ấy chợ còn rất nhỏ nằm giữa Phủ đường, bên cạnh là một trường tiểu học. Đến thời Hồ Ngọc Tuấn làm Quận trưởng Duy Xuyên (1958) thì trường học bị đánh phá hư hỏng, cơ quan Quận dời về khu vực cơ quan Viện Kiểm sát huyện ngày nay, chợ tiếp tục được mở rộng và phát triển đến bây giờ. Chợ này chỉ đông vào buổi chiều nên còn có tên khác là Chợ Chiều. Vào những năm 1958 - 1959, Quận trưởng Hồ Ngọc Tuấn tiếp tục tiến hành xây dựng chợ Nam Phước. Chợ Nam Phước tồn tại và phát triển từ đó đến nay nhờ địa thế thuận lợi về giao thông và nằm ngay khu vực giáp ranh giưa khu Đông và khu Trung. Thị trấn còn một số bến chợ trên địa bàn chuyên mua bán một vài loại hàng hóa đặc chủng như Bến Chợ Vạn chuyên mua bán hàng nông sản và một số ít hàng tiêu dùng; Bến Giá, Bến Chợ Củi...

Dân số thị trấn Nam Phước theo điều tra tháng 4 năm 2014 trên 33 nghìn người. Nguồn gốc xuất xứ của cư dân thị trấn cũng như nhiều địa phương khác chủ yếu là quan, quân và nông dân đằng ngoài ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương theo vua Lê Thánh Tôn vào mở rộng bờ cõi từ những năm cuối của thế kỷ XV (những năm 1470 - 1471). Khi vào đến địa bàn thị trấn, thấy các điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu,… nên đã chọn vùng đất nầy để sinh cơ lập nghiệp rồi tạo dựng nên các làng, xã và duy trì đến ngày nay. Trải qua quá trình tiếp biến lịch sử và văn hóa, các thế hệ người ở thị trấn đã phải chống chọi với những khó khăn về thiên tai, địch họa, dịch bệnh để tồn tại và phát triển. Theo lời kể của một số vị cao niên trong Hội đồng các gia tộc thì tộc Nguyễn (Nguyễn Văn, Nguyễn Thế, Nguyễn Quang, Nguyễn Xuân,..) và tộc Văn (Văn Phú, Văn Công), Đoàn, Hồ là những tộc họ chiếm số đông trong cộng đồng dân cư ở các địa bàn từ xưa đến nay.

2. Về lịch sử

Thị trấn Nam Phước cũng như nhiều địa phương khác trong địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là địa bàn sinh tụ chính của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật điêu khắc của nền nghệ thuật cổ và nhiều di tích của nền văn hóa Champa có niên đại từ thế kỷ VII đến thế kỷ X tại các vùng Mỹ Khê Tân, Mỹ Khê Cựu, Phụng Tây, Tứ Chánh[3], ... Tại làng Mỹ Lương còn tìm thấy một bi ký của vua Chăm.

Dưới thời pháp thuộc, phủ Duy Xuyên là một trong 8 phủ, huyện của Tỉnh Quảng Nam, có 10 tổng gồm 162 xã. Thị trấn Nam Phước có 24 xã thuộc 3 tổng. Tổng Mậu Hòa có 5 xã: Xuyên Đông, Xuyên Tây, Long Châu, Thượng Bình, Tiệm Rượu; Tổng Mỹ Khê có 14 xã:  Hạc Toán, Mỹ Tân, Long Xuyên, Phụng Tây, Phụng Đông, Duy Ninh, Mỹ Long, Mỹ Duân, Mỹ Cựu, Tân Mỹ Đông, Tân Mỹ Tây, Tân Mỹ Nam, Vĩnh Lại, Trị Yên; Tổng Duy Đông có 5 xã: Mã Châu Thành, Mã Châu Thượng, Mã Châu Tây, Mã Châu Đông, Trung Lương.

Tháng 3 năm 1946, Thực hiện chủ trương nhập xã lần thứ nhất bỏ cấp tổng để xã trực tiếp với huyện, toàn huyện còn lại 29 xã và 3 khu. 24 xã của thị trấn trước đây được sáp nhập thành 5 xã. Các xã Hạc Toán, Mỹ Tân, Long Xuyên, Long Châu sáp nhập thành xã Duy Tân; Xuyên Đông, Tiệm Rượu thành xã Hòa Minh; Phụng Châu Đông, Phụng Châu Tây, Duy Ninh, Mỹ Long, Tân Mỹ Tây, Tân Mỹ Đông, Tân Mỹ Nam, Trị Yên, Thượng Bình thành xã Hương Giang; Trung Lương, Mã Châu Đông, Mã Châu Tây, Mã  Châu Thành, Mã Châu Thượng thành xã Chi Lăng; Xuyên Tây, Vĩnh Lại, Mỹ Cựu thành xã Cổ Am.

Đến tháng 3 năm 1948, huyện thực hiện chủ trương nhập xã lần thứ 2 nhằm đảm bảo yêu cầu mỗi xã đều có chi bộ mạnh, Mặt trận và các đoàn thể vững vàng, quân dân tự vệ đảm bảo sức chiến đấu... Toàn huyện từ 29 xã sáp nhập lại còn 12 xã. Xã Duy Tân và Hương Giang sáp nhập thành xã Duy Phước[4]; các xã Chi Lăng, Hòa Minh và Cổ Am sáp nhập thành xã Duy An.

Đầu năm 1950, thực hiện chủ trương của Khu ủy Khu V về xây dựng tổ chức theo phương châm “Kiện toàn tỉnh, xây dựng xã, đơn giản huyện”, huyện Duy Xuyên tiến hành nhập sáp nhập xã lần thứ 3, từ 12 xã sáp nhập thành 6 xã lớn. Hai xã Duy Phước, Duy An và các thôn Vân Quật, Thi Thại của Duy Thành sáp nhập thành xã Duy Phương.

Đầu năm 1953, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về chia xã, lập xóm. Huyện ủy đã quyết định phân chia 6 xã lớn trong toàn huyện thành 24 xã. Các thôn Vân Quật, Thi Thại nhập về xã Duy Thành, xã Duy Phương chia ra thành 2 xã Duy An và Duy Phước như trước.

Sau Hiệp định Giơ ne vơ, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành phân chia huyện thành 3 khu hành chính và 19 xã [5]. Xã Duy An (thị trấn ngày nay) được chia thành 2 xã là Xuyên Châu (có quận lỵ Duy Xuyên đóng) và Xuyên Mỹ. Một số xã được xác nhập và đổi tên như: Phước Mỹ bao gồm Trung Lương, Mỹ Long, Tân Mỹ Đông, Duy Ninh, Trị Yên, Phụng Đông, Phụng Tây, Vĩnh Lại, Tân Mỹ Đông, Tân Mỹ Nam, Tân Mỹ Tây. Mỹ Hạc bao gồm Hạc Toán, Mỹ Tân. Châu Hiệp gồm Mã Châu Đông, Mã Châu Tây, Mã  Châu Thành, Mã Châu Thượng. Bình An tách ra khỏi Tiệm Rượu. Xã Xuyên Châu bao gồm các xã cũ là: Xuyên Tây, Mỹ Cựu, Mỹ Long, Vĩnh Lại, Phụng Đông, Phụng Tây, Duy Ninh, Mã Châu Đông, Mã Châu Tây, Mã Châu Thành, Mã Châu Thượng, Trung Lương, Trị Yên, Tân Mỹ Đông, Tân Mỹ Tây.

Sau khi thống nhất đất nước, huyện chỉ đạo sáp nhập một số xã cho phù hợp với yêu cầu qui hoạch để phát triển kinh tế - xã hội và lấy tên gọi thống nhất của các xã theo tên gọi Duy Xuyên của huyện, hai xã Xuyên Châu và Xuyên Mỹ sáp nhập lại thành xã Duy An.

Đến năm 1986, huyện Duy Xuyên thành lập Thị trấn Duy Xuyên gồm 2 thôn của xã Duy An cũ là Xuyên Tây, Châu Hiệp và Thôn 6 xã Duy Trung. Lúc này, thôn Xuyên Tây cũng tách ra thành 2 thôn: Xuyên Tây I và Xuyên Tây 2. Thôn Phước Mỹ tách ra thành 3 thôn Phước Mỹ I, Phước Mỹ 2, Phước Mỹ 3. Long Xuyên tách ra thành 3 thôn Long Xuyên I, Long Xuyên 2, Long Xuyên 3.

Thực hiện Nghị định số 102/- NĐ/CP ngày 29 tháng 8 năm 1994 Thủ tướng Chính phủ về việc giải thể thị trấn Duy Xuyên, thành lập thị trấn Nam Phước, ngày 06 tháng 9 năm 1994, huyện sáp nhập hai các thôn Xuyên Tây 1, Xuyên Tây 2, Châu Hiệp của thị trấn Duy Xuyên vào xã Duy An thành thị trấn Nam Phước (ranh giới hành chính giống như xã Duy An trước đây), thôn 6 nhập về xã Duy Trung. Tên gọi thị trấn Nam Phước được duy trì cho đến nay. Hiện nay[6], thị trấn Nam Phước bao gồm 03 thôn[7], 13 khối phố: Châu Hiệp, Mỹ Hòa, Xuyên Tây 1, Xuyên Tây 2, Xuyên Tây 3, Xuyên Đông 1, Xuyên Đông 2, Phước Mỹ 1, Phước Mỹ 2, Phước Mỹ 3, Mỹ Hạt, Long Xuyên 1, Long Xuyên 2, Long Xuyên 3, Bình An, Đình An.

Như vậy, tên gọi và địa giới hành chính của thị trấn Nam Phước đã bao lần thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, nhưng con người thị trấn vẫn luôn có tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, đất nước, tinh thần đấu tranh quật khởi kiên cường, một lòng, một dạ theo Đảng làm cách mạng để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.



[1] Lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân Duy Xuyên dưới sự lãnh đạo của Đảng (tập 1 : 1930-1954)

[2] Chùa Hưng Phước đã di chuyển vị trí vào nền chợ.

[3] Tứ Chánh đổi thành Tiệm Rượu từ thời Pháp thuộc.

[4] Lịch sử Đảng bộ huyện tập 1 trang 170.

[5] Khoảng thời gian từ tháng 5/1955 đến 9/1955. Các xã Xuyên Châu, Xuyên Mỹ thuộc vào khu Xuyên Bình.

[6] Cuối năm 2009, đầu năm 2010.

[7] 3 thôn là Xuyên Tây 1, Xuyên Đông 2 và Phước Mỹ 3

Các tin khác:

[Trở về]

Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
Đang tải dữ liệu ...
ĐĂNG NHẬP
Đăng nhập

UBND xã Quế Lâm - huyện Nông Sơn - Quảng Nam

Địa chỉ : xã Quế Lâm - huyện Nông Sơn - Quảng Nam

Điện thoại: 0235.36502361